Bức tranh sáng – tối hậu cổ phần hóa – Bài 3: Vinamilk: Từ “manh áo hẹp” trở thành doanh nghiệp có giá trị thương hiệu lớn nhất Việt Nam

Cởi “tấm áo hẹp” của doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hóa đã giúp Vinamilk tăng trưởng thần tốc về vốn điều lệ, doanh thu, lợi nhuận. Đến nay Vinamilk đã trở thành DN có giá trị thương hiệu lớn nhất Việt Nam với 2,2 tỷ USD.  

 Trong chiến lược phát triển đến năm 2021, Vinamilk cho biết sẽ nắm giữ vị thế dẫn đầu trong ngành sữa Việt Nam

Vươn ra thế giới

Trong quá trình phát triển của Vinamilk phải nhắc tới những bước chuyển căn bản như đầu tư vùng nguyên liệu từ sớm (đầu những năm 1990), tiến hành tái cấu trúc, cổ phần hóa năm 2003, đưa Công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2006, quyết định đầu tư và ngừng đầu tư trong lĩnh vực bia, cà phê (giai đoạn 2005-2010).

Với những bước chuyển mình chiến lược đó, từ một DN có số vốn 1.590 tỷ đồng, đến nay sau 18 năm vốn hóa của DN này đã lên tới 202.907 tỷ đồng (tăng hơn 200 lần), trong đó vốn chủ sở hữu là 29.731 tỷ đồng, vốn cổ phần là 17.417 tỷ đồng. Cổ đông lớn nhất là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước – Công ty TNHH với 36% cổ phần cùng với hơn 9.000 nhân viên hoạt động trên khắp cả nước, Vinamilk là minh chứng cho DN thành công vượt bậc sau cổ phần hóa.

Báo cáo tài chính của DN này trong năm 2019 cho thấy một bức tranh khả quan với tổng doanh thu 56.400 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 12.796 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 10.554 tỷ đồng. Cũng trong năm 2019, mức cổ phiếu thấp nhất của Vinamilk đạt 115.100 đồng/cổ phiếu và mức cao nhất 146.100/cổ phiếu; tổng số lượng cổ phiếu đang lưu hành là 1.741.377.694.

Nói về quy mô hoạt động của DN, đại diện Vinamilk cho biết, các sản phẩm của Vinamilk nhận được tin dùng của phần lớn người Việt, vươn đến mọi ngõ ngách trên mọi miền Tổ quốc với tổng số điểm bán lẻ trên toàn quốc đạt 251.000 cơ sở, 12 trang trại đạt chuẩn Global Gap, 130.000 đàn bò sữa.

Không chỉ đạt mục tiêu chinh phục thị trường trong nước, khẳng định quá trình vươn ra thế giới của Vinamilk cũng đang rất thuận lợi. Ông Nguyễn Quốc Khánh, Giám đốc Điều hành Nghiên cứu và Phát triển (R&D) Vinamilk cho biết, Vinamilk đã xuất khẩu tới 53 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Vinamilk đã và đang từng bước khẳng định thương hiệu tại Trung Quốc- một thị trường đầy tiềm năng nhưng cũng rất khó tính. Đặc biệt, từ tháng 9/2018, vượt qua nhiều thách thức, sản phẩm sữa chua của Vinamilk đã chính thức lên kệ tại Hema, hệ thống siêu thị thông minh của Alibaba tại Trung Quốc.

Nói về bí quyết thành công của DN tỷ đô, bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc của Vinamilk cho rằng, việc cổ phần hóa đã giúp Vinamilk tự chủ. Khi đó, các cổ đông sẽ là những người có trách nhiệm với đồng vốn của mình và sẽ có những chiến lược, quyết sách tốt, thúc đẩy sự phát triển của DN

“Quan trọng nhất khi cổ phần hóa là tháo bỏ cơ chế, DN chủ động thực hiện các kế hoạch kinh doanh, DN được quyết định và chịu trách nhiệm với quyết định đó trong khuôn khổ pháp luật. Đặc biệt, quá trình cổ phần hóa cũng giúp DN tiếp nhận thêm kiến thức mới, quản trị mới”, bà Liên nói.

Ở một khía cạnh khác, dù Vinamilk là doanh nghiệp được nhìn nhận là năng động bậc nhất ngay từ thời bao cấp, sau cổ phần hóa, bà Liên vẫn cho rằng, thách thức lớn nhất là thay đổi tư duy cũ, tâm lý làm việc cầm chừng ăn sâu vào doanh nghiệp. Vinamilk không thay máu nhân sự nhiều sau cổ phần hóa, nhưng cách làm việc thay đổi rất nhiều, trong đó thách thức lớn nhất là giải quyết sức ỳ.

Hài hòa lợi ích

Cổ phần hoá đã giúp nhiều DN Nhà nước, trong đó có Vinamilk gần như “thay máu” với những kết quả kinh doanh đáng ngạc nhiên, dần khẳng định vị thế không chỉ trong nước mà còn vươn ra tầm thế giới, góp phần cho sự tăng trưởng chung của nền kinh tế, tạo ra nhiều việc làm cho người lao động trong nước.

Dù đã vượt khỏi “tấm áo hẹp”, trở thành DN tỷ đô nhờ cổ phần hóa, song theo lãnh đạo của Vinamilk, để tiếp tục phát triển lớn mạnh trong thời gian tới, mục tiêu mà Vinamilk theo đuổi và giữ vững là hài hòa lợi ích và trách nhiệm giữa các bên liên quan như cổ đông, các nhà cung cấp, nhà phân phối, công nhân, người lao động…

Bên cạnh đó, quan tâm tới yếu tố con người, chăm sóc, phát triển, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhân viên là sợi chỉ đỏ xuyên suốt chặng đường phát triển của Vinamilk thời gian qua. Giám đốc Điều hành về Nhân sự của Vinamilk, bà Bùi Thị Hương chia sẻ, Ban lãnh đạo công ty luôn xác định con người chính là yếu tố quyết định cho mọi sự thành công. Chính vì vậy, kế hoạch hành động và cũng là chiến lược quan trọng về nhân sự của Vinamilk hiện nay chính là đào tạo, hoạch định phát triển đội ngũ nhân sự kế thừa đủ tâm và tầm, sẵn sàng cho sự tăng trưởng của công ty trong tương lai, hướng đến mục tiêu top 30 công ty sữa lớn nhất thế giới.

Quan điểm của Vinamilk là mức tiền lương, thưởng cũng như chế độ đãi ngộ phải phù hợp để thu hút, giữ chân khích lệ nhân viên cũng như bộ máy lãnh đạo. Một trong những yếu tố quyết định tiền lương là căn cứ vào kết quả hoạt động của công ty nói chung và từng cá nhân nói riêng. Theo số liệu mà Vinamilk đưa ra thì tiền lương và thưởng của công ty mỗi năm đều tăng lên.

Tại Vinamilk, các ý kiến và nguyện vọng của nhân viên luôn được lắng nghe và ghi nhận. Chính vì vậy, Vinamilk đã chủ động thực thi và có các chính sách phát triển nội bộ phù hợp để tạo cơ hội phát triển năng lực và có cơ hội phát triển trên bậc thang công việc và có khả năng tăng thu nhập cho nhân viên; song song đó tạo cơ hội cho quản lý và nhân viên xây dựng mối quan hệ tốt thông qua các khóa huấn luyện, đào tạo.

Theo ý kiến của một số người lao động đang làm việc tại Vinamilk, yếu tố “sức khỏe và tinh thần” cho nhân viên vẫn luôn được Vinamilk duy trì và cải thiện qua các năm. Vinamilk mang đến cho nhân viên những phúc lợi nổi bật như chương trình Bảo hiểm sức khỏe cho nhân viên và người thân của cán bộ quản lý, xây dựng các cơ sở vật chất phục vụ, hỗ trợ điều kiện học tập, làm việc của nhân viên; chú trọng xây dựng các cơ sở vật chất như phòng tập thể dục, yoga, hồ bơi và không gian sáng tạo để chăm lo sức khỏe và tạo điều kiện cho nhân viên làm việc hiệu quả hơn.

Trong chiến lược phát triển đến năm 2021, Tổng giám đốc Vinamilk cho biết sẽ nắm giữ vị thế dẫn đầu trong ngành sữa Việt Nam bằng việc tập trung khai thác thị trường nội địa, trong đó đặc biệt chú trọng phát triển thị trường nông thôn.

“DN sẽ tập trung vào phân khúc sản phẩm tầm trung và cao cấp với nhiều giá trị gia tăng ở thành thị, tiếp tục thâm nhập và bao phủ khu vực nông thôn với các dòng sản phẩm phổ thông. DN cũng sẵn sàng cho các hoạt động mua bán sáp nhập, ưu tiên tìm kiếm cơ hội mua bán sáp nhập các công ty sữa tại các quốc gia khác với mục đích mở rộng thị trường và tăng doanh số”, bà Mai Kiều Liên nhấn mạnh.

Vinamilk được Forbes đánh giá là Công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam năm thứ 7 liên tiếp. Thành tích này thể hiện nỗ lực của Vinamilk trong việc duy trì mức tăng trưởng doanh thu tốt hàng năm và các hoạt động đầu tư vào các hoạt động phát triển vùng nguyên liệu và cập nhật các công nghệ sản xuất nhằm đem lại các dòng sản phẩm có chất lượng cao, phục vụ cho cộng đồng và nhu cầu của thị trường.Cũng theo Forbes, Vinamilk tiếp tục giữ vững vị trí số 1 trong danh sách 50 thương hiệu dẫn đầu năm 2019 của Tạp chí Forbes Việt Nam, đây là năm thứ 4 liên tiếp Vinamilk đứng đầu danh sách này.

D.Ngân

Nguồn: haiquanonline.com.vn

 

 

 

 

[searchandfilter id="2529"]