Với cam kết đầu tư lâu dài vì sự phát triển bền vững của Việt Nam, Công ty Nestlé Việt Nam đã tiên phong trong hành trình tái sinh với nông nghiệp là nền móng nhằm duy trì khả năng tự phục hồi và tái tạo của hệ sinh thái, góp phần tích cực cho nỗ lực chống biến đổi khí hậu của Việt Nam.
Việt Nam ưu tiên chống biến đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu mà biểu hiện chính là sự nóng lên toàn cầu và mực nước biển dâng đã tạo nên các hiện tượng thời tiết cực đoan hiện nay. Hội nghị về Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) diễn ra tháng 11 tại Glasgow, Anh đặt ra các mục tiêu mang tính quyết định về tương lai lâu dài của thế giới trước những đe dọa của biến đổi khí hậu.
Trước thềm Hội nghị COP26, đại sứ 24 nước châu Âu và đại sứ EU tại Việt Nam đã có bài viết chung kêu gọi các nước đối tác, bao gồm Việt Nam, cần tăng cường các kế hoạch chống biến đổi khí hậu. “Theo đó, EU nỗ lực đóng vai trò tiên phong trong hành động khí hậu. Chúng tôi muốn làm nhiều hơn nữa và chúng tôi khuyến khích Việt Nam nâng cao tham vọng về khí hậu trước thềm Hội nghị COP26. Chúng tôi tin tưởng Việt Nam sẽ tăng cường nỗ lực của mình để giảm phát thải khí nhà kính đến năm 2030 và sẽ đưa ra một chiến lược kinh tế – xã hội để đạt được sự trung hòa về khí hậu vào năm 2050,” nhóm đại sứ chia sẻ.
Là một trong những nước chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia xử lý thách thức chung toàn cầu về biến đổi khí hậu. Theo đó, Việt Nam cam kết đến năm 2030 sẽ giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường và tăng đóng góp lên tới 27% khi có hỗ trợ quốc tế.
Mới đây nhất, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng ký ban hành mục tiêu Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Chiến lược đặt ra mục tiêu tổng quát là tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
Là một trong những doanh nghiệp châu Âu lớn nhất tại Việt Nam, Nestlé luôn đặt vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển bền vững của tập đoàn. Trong đó, với cơ sở là các sáng kiến nông nghiệp tái sinh nhằm giúp nền nông nghiệp Việt Nam chuyển đổi theo hướng phát triển xanh và bền vững.
Giảm khí thải nhờ nông nghiệp tái sinh
Nestlé là một trong những tập đoàn hàng đầu thế giới có cam kết mạnh mẽ chống biến đổi khí hậu với mục tiêu cắt giảm một nửa lượng khí thải vào năm 2030 và trung hòa carbon vào năm 2050. Để thực hiện mục tiêu đầy tham vọng này, tháng 9 năm 2021, Nestlé đã công bố kế hoạch đầu tư khoảng 1,3 tỷ USD vào nền nông nghiệp tái sinh trong 5 năm tới như một giải pháp thiết thực cho phát triển bền vững nhằm bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu.
Hiện nay, nông nghiệp chiếm gần 2/3 tổng lượng phát thải khí nhà kính của Nestlé trên toàn thế giới. Do đó, sự chuyển đổi sang mô hình nông nghiệp tái sinh sẽ giúp tập đoàn cắt giảm đáng kể lượng khí thải nhà kính trong thời gian tới.
“Chúng ta đều biết rằng nông nghiệp tái sinh đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện đất trồng, khôi phục chu trình nước và tăng đa dạng sinh học trong dài hạn. Những kết quả này tạo thành nền tảng của sản xuất lương thực bền vững và quan trọng là sẽ góp phần giúp chúng ta đạt được các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng,” chủ tịch của Nestlé Paul Bulcke cho biết.
Với khoản đầu tư 1,3 tỷ USD, Nestlé sẽ hỗ trợ hơn 500.000 nông dân và 150.000 nhà cung cấp của tập đoàn chuyển đổi sang mô hình nông nghiệp tái sinh. Các nỗ lực của tập đoàn sẽ tập trung vào ba mảng chính bao gồm áp dụng khoa học công nghệ hiện đại, hỗ trợ kỹ thuật; hỗ trợ đầu tư chuyển đổi mô hình và trả phí bảo hiểm cho hàng hóa nông nghiệp tái sinh.
Tại Việt Nam, Nestlé đi tiên phong xây dựng nông nghiệp tái sinh thông qua dự án NESCAFÉ Plan. Kể từ khi được triển khai tại Việt Nam trong hơn 10 năm qua, dự án NESCAFÉ Plan đã gắn kết chặt chẽ với nông dân khu vực Tây Nguyên nhằm nâng cao chất lượng hạt cà phê, cải thiện phương pháp canh tác, tái canh cây cà phê già cỗi, và gia tăng thu nhập cho các nông hộ.
Cùng khoản đầu tư mới, Nestlé sẽ đẩy mạnh việc mở rộng các phương pháp canh tác nông nghiệp tái sinh, thu mua nguyên liệu từ các nhà cung ứng có thực hành nông nghiệp tái sinh, nhằm tăng cường những tác động tích cực đến môi trường, giảm lượng khí thải các-bon và chung tay chống biến đổi khí hậu.
Xu hướng trồng xen canh hợp lý
Từ 2020, chiến lược phát triển bền vững của Nestlé được xác định không chỉ dừng lại ở mục tiêu và hành động “bền vững” mà phải hướng tới cách tiếp cận toàn diện tập trung vào các mục tiêu “tái tạo” và “tái sinh” cho hệ sinh thái tự nhiên, góp phần trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu và bảo tồn nguồn tài nguyên cho tương lai.
Trong khuôn khổ dự án NESCAFÉ Plan, Bộ phận Hỗ Trợ Nông Nghiệp của công ty Nestlé Việt Nam đã giới thiệu và phát triển mô hình xen canh hợp lý cho cây cà phê với các loại cây trồng xen như tiêu, và các mô hình xen canh khác với sầu riêng, bơ, điều…tùy thuộc vào điều kiện thực tế tại địa phương. Đây là một trong những phương pháp canh tác tiêu biểu của nông nghiệp tái sinh vừa mang lại hiệu quả kinh tế vừa mang lại hiệu quả môi trường.
Cụ thể, người nông dân tham gia dự án vùng Tây Nguyên trước đây không trồng trồng xen canh cây che bóng và các loại cây trồng khác trên vườn cà phê của mình. Nguyên nhân là do nông dân áp dụng phương thức trồng độc canh và thâm canh cao độ để đạt được năng suất cà phê cao nhất nhằm thu lại lợi nhuận trong một thời gian ngắn.
Hệ quả là chỉ sau một thời gian canh tác đa số các vườn cà phê đều bị giảm năng suất, nhiều diện tích cà phê bị các loại bệnh phát sinh từ đất gây hại nghiêm trọng, dẫn đến nguy cơ thiếu tính bền vững đối với sản xuất cà phê ở Tây Nguyên.
Để khắc phục tình trạng này, các chuyên gia nông nghiệp Nestlé đã hướng dẫn người nông dân chuyển sang trồng xen canh bằng cách phân tích mật độ hợp lý giữa cây cà phê và các loại cây trồng xen nhằm tối ưu việc sử dụng đất và thu hoạch. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng thường xuyên giám sát và đánh giá hiện trạng thực hành nông nghiệp so sánh với mô hình xen canh và áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác nhằm bảo vệ sức khỏe cho đất (tác động thấp đến đất trồng trọt), giảm lượng nước tưới, giảm lượng phân bón vô cơ, tang các loại phân bón hữu cơ và phân vi sinh ủ từ vỏ cà phê và các phụ phẩm trên đồng ruộng, giảm và đi đến không sử dụng thuốc BVTV. Tổ chức các buổi hội thảo tại vườn mẫu nhằm giới thiệu và giải thích lợi ích và giá trị gia tăng khi áp dụng mô hình xen canh phù hợp.
Hiện nay, phương pháp trồng xen canh hợp lý đã trở thành xu hướng đối với người dân trồng cà phê tại Tây Nguyên. Mô hình xen canh vừa tạo sản phẩm đa dạng vừa có những tương hỗ sinh học tốt, chứng minh được tính bền vững về mặt kinh tế và môi trường hơn hẳn so với trồng thuần cà phê.
“Tái sinh” hệ sinh thái tự nhiên
Trong khi mô hình độc canh và thâm canh truyền thống thường tiềm ẩn nhiều yếu tố kém bền vững, dẫn đến thiếu đa dạng sinh học và đất nghèo dinh dưỡng. Mô hình xen canh hợp lý kết hợp với các biện pháp kỹ thuật canh tác thông qua GAP/NBFP đã chứng minh được tính hiệu quả trong bảo vệ môi trường, trả lại sự cân bằng và tính đa dạng cho hệ sinh thái.
Theo nghiên cứu của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) , các vườn cà phê không có cây che bóng hay cây trồng xen có độ phì nhiêu của đất thấp hơn so với vườn cà phê có trồng cây che bóng. Nên nếu trồng cà phê không có cây che bóng thì khả năng suy giảm độ phì nhiêu của đất sẽ nhanh hơn.
Bên cạnh giữ gìn chất lượng và độ phì nhiêu của đất, lá và cành rụng của các loại cây trồng xen cũng góp phần cải thiện tình trạng hữu cơ của đất, giúp đất tơi xốp và làm tăng hiệu quả sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu. Mô hình xen canh không chỉ cải tạo sức khỏe của đất mà còn hạn chế cỏ dại và nguy cơ lây lan dịch bệnh, từ đó giúp năng suất tăng trưởng của cây trồng ổn định.
Ngoài ra, việc trồng xen đã làm chu kỳ tưới nước cho cà phê kéo dài hơn do cây che bóng làm hạn chế được quá trình bốc thoát hơi nước, giữ ẩm cho đất, vì vậy lượng nước sử dụng sẽ giảm. Nghiên cứu của WASI chỉ ra rằng trồng xen trong vườn cà phê đã làm tăng hiệu quả sử dụng nước 17,7%. Để sản xuất 1 tấn cà phê chỉ cần 500 m3 nước, trong khi đó vườn cà phê trồng thuần cần tới 600 m3 nước. Nhờ đó, mô hình xen canh cũng góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên nước đang ngày càng khan hiếm.
Đặc biệt, nhờ tối ưu hóa hiệu quả sử dụng đất, mô hình xen canh hợp lý sẽ tăng lượng các-bon hấp thụ vào đất thay vì thải ra trong không khí. Phương pháp canh tác này giúp giảm thiểu đáng kể lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong tình hình biến đổi khí hậu hiện nay.
Các cán bộ của dự án NESCAFÉ Plan luôn khuyến khích người nông dân sử dụng vỏ cà phê qua sử dụng và những phụ phẩm sau thu hoạch và chế biến để sản xuất phân bón hữu cơ, hướng đến kéo giảm sử dụng phân bón vô cơ từ 20-30%, đồng thời giảm chi phí sử dụng phân bón cho mùa vụ từ 20-30%.
Ngoài ra, dự án cũng đưa vào các kỹ thuật tưới tiết kiệm nước bao gồm tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa hoặc sử dụng những công cụ đơn giản, dễ kiếm và rẻ tiền như vỏ lon sữa bò hoặc chai nhựa đựng nước để đo lường độ ẩm trong đất. Việc áp dụng các biện pháp này có thể giúp người nông dân tiết kiệm đến 40% -60% lượng nước dùng để tưới cây cà phê so với trước khi áp dụng.
Rõ ràng nền nông nghiệp tái sinh là hướng đi phát triển tất yếu của nông nghiệp bền vững. Trong đó, mô hình xen canh sẽ góp phần tái tạo đất mặt, tăng đa dạng sinh học, cải thiện chu trình nước, bảo tồn hệ sinh thái và tăng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu của đất.
Giá trị “kép” của nông nghiệp tái sinh
Phương pháp canh tác nông nghiệp tái sinh không chỉ duy trì một môi trường canh tác bền vững, mà còn mang lại hiệu quả về kinh tế cho người nông dân. Đặc biệt trong điều kiện thời tiết cực đoan thường xuyên xảy ra, tác động rõ rệt của biến đổi khí hậu có thể gây nên những bất lợi cho sản xuất của ngành cà phê.
Trong nhiều năm qua giá bán cà phê và giá bán một số loại cây trồng (sầu riêng, tiêu, bơ…) tăng giảm bất thường, làm ảnh hưởng tâm lý sản xuất của nhiều nông hộ. Tuy nhiên, nhờ áp dụng mô hình xen canh tối ưu cho cây cà phê của NESCAFÉ Plan, người nông dân trồng khu vực Tây Nguyên không chỉ chủ động nguồn thu nhập mà còn tăng từ 30%-100% thu nhập từ cây trồng xen.
Cô Lê Thị Hoài, sinh sống tại huyện Đắk R’Lấp, Đắk Nông chia sẻ, “Gia đình tôi tham gia chương trình NESCAFÉ Plan đã được 7 năm. Từ khi tham gia chương trình chúng tôi đã học hỏi rất nhiều kiến thức và kinh nghiệm hữu ích như bấm cành đúng thời vụ, tiết kiệm lượng tưới nước, giảm bớt phân bón hóa học, tăng cường bón phân hữu cơ như ủ vỏ cà phê và hái cà phê chín để đạt năng suất cao. Đặc biệt, gia đình tôi đã trồng xen canh cây sầu riêng và điều để cải thiện thu nhập cho một diện tích đất. Tôi rất biết ơn Nestlé và chương trình NESCAFÉ Plan.”
Cô Hồ Thị Vĩnh, nông dân của huyện Cư M’Gar, tỉnh Đăk Lăk cho biết, “Tôi tham gia chương trình NESCAFÉ Plan từ 2014 đến giờ. Trong thời gian qua, tôi tham gia rất nhiều từ các lớp tập huấn và đào tạo kỹ thuật canh tác bền vững do Nestlé tổ chức với sự hướng dẫn của các kỹ sư nông nghiệp. Tôi học được cách chọn loại phân bón phù hợp và sử dụng lượng phân bón đúng nơi đúng lúc. Trong đó, mô hình trồng xen canh cây bơ và sầu riêng trong vườn cà phê đã giúp gia đình tôi nâng cao năng suất và tăng thêm thu nhập.”
Có thể thấy việc trồng xen các cây trồng phù hợp với cà phê cho phép người nông dân đa dạng hóa nhiều sản phẩm nông nghiệp, nâng cao và ổn định thu nhập, hạn chế được rủi ro do sự biến động về giá cà phê. Không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, phương pháp canh tác này còn khuyến khích người nông dân chung tay bảo vệ môi trường, phát triển nông nghiệp bền vững trong sự hài hòa với hệ sinh thái..
Một thập kỷ xây dựng nền nông nghiệp tái sinh
Tại Việt Nam, một trong ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp của biến đổi khí hậu là ngành cà phê. Năm 2016, hạn hán ở Tây Nguyên và tuyết rơi ở một số tỉnh trồng cà phê phía Bắc đã làm hàng vạn hecta cà phê bị chết và ảnh hưởng. Trong khi đó, phần lớn diện tích cà phê được trồng từ những năm 90 của thế kỷ trước nên đã già cỗi và cần phải tái canh.
Sau hơn 10 năm triển khai, dự án NESCAFÉ Plan đã tài trợ cho nông dân 30% chi phí cây giống giúp cho công tác tái canh vườn cà phê. Cụ thể, dự án đã phân phối hơn 53 triệu cây giống kháng bệnh năng suất cao tới người nông dân và cải tạo 53.000 hecta diện tích cà phê già cỗi tại khu vực Tây Nguyên. Bên cạnh đó, dự án cũng tổ chức trên 246.000 khóa tập huấn về kỹ thuật canh tác cà phê bền vững cho 300,000 nông dân, giúp cho 21,000 nông dân đạt chứng chỉ cà phê quốc tế 4C.
Tháng 4 năm 2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có buổi làm việc với Tập đoàn Nestlé Việt Nam về Triển khai kế hoạch hoạt động của đối tác phát triển nông nghiệp bền vững Việt Nam (PSAV) giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến 2030. Tại đây, Nestlé Việt Nam đã chia sẻ tầm nhìn của tập đoàn về sáng kiến phát triển nông nghiệp tái sinh, hướng tới mục tiêu chống biến đổi khí hậu trong sản xuất nông nghiệp cũng như việc quản lý và sử dụng vật tư nông nghiệp có trách nhiệm.
Ông Binu Jacob, Tổng giám đốc Nestle Việt Nam chia sẻ, “Nhằm chung tay ứng phó với vấn đề biến đổi khí hậu, tập đoàn Nestlé đã xây dựng lộ trình cắt giảm phát thải carbon theo từng giai đoạn, tiến tới phát thải ròng carbon bằng 0 (Net Zero) vào 2050. Chúng tôi sẽ thực hiện cam kết này bằng cách giảm thiểu lượng phát thải carbon trong toàn bộ hoạt động và chuỗi cung ứng của công ty.”
“Trong đó, Nestlé Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành cùng nông dân thúc đẩy xây dựng nền nông nghiệp tái sinh, để có những tác động tích cực nhằm tái tạo lại hệ sinh thái, chống biến đổi khí hậu và bảo tồn nguồn tài nguyên cho tương lai. Đây chính là cách tiếp cận mới được chúng tôi định hướng và gắn liền trong các chương trình và sáng kiến phát triển bền vững của công ty từ năm 2020”, ông Jacob chia sẻ.
Các hành động hướng đến một nền nông nghiệp tái sinh của Nestlé Việt Nam
1. Bảo vệ đất: Phương pháp canh tác nông nghiệp tái sinh góp phần bảo vệ đất nhờ giảm lượng phân bón vô cơ, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ và phân ủ từ vỏ cà phê và phụ phẩm sau thu hoạch. Nhờ áp dụng phương pháp canh tác này, người nông dân có thể giảm khoảng 20-30% lượng phân bón vô cơ, từ đó nâng cao độ phì nhiêu màu mỡ và cải tạo sức khỏe cho đất. 2. Bảo vệ nguồn nước: Phương pháp canh tác nông nghiệp tái sinh giúp bảo vệ nguồn nước ngày càng khan hiếm. Dự án NESCAFÉ Plan đã đưa ra các kỹ thuật tưới tiết kiệm nước bao gồm tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa hoặc sử dụng công cụ đơn giản, dễ kiếm và rẻ tiền như vỏ lon sữa bò hoặc chai nhựa đựng nước để đo lường độ ẩm trong đất. Các biện pháp này giúp người nông dân tiết kiệm đến 40% -60% lượng nước tưới cây cà phê so với trước. 3.Bảo vệ môi trường: Nestlé Việt Nam xây dựng nền nông nghiệp tái sinh với mô hình xen canh hợp lý, tiểu biểu như trồng hồ tiêu xen cà phê. Trong đó, cây tiêu vừa là cây che bóng vừa là cây chắn gió nên chỉ cần trồng xen 30% cây tiêu trên vườn cà phê thì lượng các-bon hấp thụ vào đất sẽ cao hơn lượng phát thải. Ngoài ra, cây che bóng đóng vai trò là cây chắn gió trong mùa khô, giúp cải thiện điều kiện sinh thái, làm giảm nhiệt độ và độ bốc hơi trong vườn cây. Cây tiêu cũng là một loại cây cố định đạm có tác dụng cải thiện cấu trúc đất và tăng thêm dưỡng chất cho cả cây trồng. 4. Hợp tác với WASI để sản xuất ra các giống cà phê mới có năng suất cao, chống chịu sâu bệnh và chịu hạn tốt để phân phát cho người nông dân. Giống cà phê mới giúp giảm lượng nước tưới và cải thiện chất lượng hạt cà phê đáng kể so với các giống cũ. Việc sử dụng giống cà phê khỏe, sạch bệnh kết hợp với mô hình trồng xem canh hợp lý góp phần cải thiện thu nhập cho người nông dân cũng như đảm bảo nguồn cung cà phê chất lượng tốt cho các nhà máy cà phê của Nestlé Việt Nam. 5. Duy trì các chương trình tập huấn cập nhật kiến thức mới nhất về phương pháp canh tác cà phê tiên tiến tại Việt Nam và trên thế giới. Trong đó, công ty ưu tiên quản lý nông nghiệp tái sinh bằng các công cụ số như FARMS (Farmer Relationship Management Solution) và Nhật ký nông hộ số (Digital Farmers Field Book), nhằm cung cấp kiến thức về khởi nghiệp nông nghiệp cho nông dân. Nhờ đó, nông dân có thể chủ động trong quản lý kinh tế nông hộ trong khi đó Nestlé sẽ có số liệu nhanh chóng trong quản lý kinh tế vi mô. |
Thành Vân / Đặc san Phát triển bền vững 2021
Nguồn: tinnhanhchungkhoan.vn