Sữa Ông Thọ trong ký ức

Phải nói ngay rằng, đây là bài viết không mang tính chất quảng cáo. Lý do là bởi sữa Ông Thọ đã quá nổi tiếng, trở thành một phần ký ức của nhiều thế hệ. Và ngay cả người viết bài này lớn lên được một phần cũng nhờ loại sữa này.
Món ăn của ký ức

Trước đây hình như không có ai thắc mắc hoặc có thắc mắc nhưng cũng không được số đông đồng tình mà chỉ mang tính nội bộ gia đình. Còn bây giờ khi thông tin nhanh ngang tốc độ ánh sáng, những thắc mắc mang tính hài hước quanh cái nhãn hàng tồn tại từ rất lâu đó, kiểu như: “Ông Thọ làm gì có sữa mà lại đặt tên là sữa Ông Thọ?”, hay “Sữa cô gái Hà Lan làm từ sữa bò tươi nguyên chất, thế sữa Ông Thọ được làm từ gì?”, “Gần đây, đi siêu thị lại thấy có cả sữa Ông Park (HLV Park Hang-seo). Ông Thọ với Ông Park mà đặt cạnh nhau thì nhìn thôi đã thấy muốn mua vô cùng”.

Chẳng phải làm một cuộc điều tra xã hội học rùm beng đâu, chỉ cần hỏi mọi người xung quanh về một vài sản phẩm đi cùng năm tháng, gắn bó với tuổi thơ và thực sự là món ăn của ký ức, chắc 100% có sữa Ông Thọ và mỳ hai tôm (loại gói giấy của Miliket). Sữa Ông Thọ được ăn như thế nào và dùng trong những trường hợp nào? Kể ra thì vô cùng lắm. Xưa pha với nước sôi thì thành sữa nóng, pha với nước lạnh rồi cho đá là thành sữa đá. Nhiều người thích đập nhỏ đá ra rồi đổ vào cốc sữa đặc, đá tan làm giảm độ ngọt nhưng vị lạnh toát khiến cốc sữa ngon hơn. Hồi bao cấp, sữa quý, đường quý, mỳ chính quý.

Đi thăm người ốm toàn xách theo “cân đường, hộp sữa”, rồi chục trứng, cân cam… không đơn giản gọn nhẹ “cái phong bì là xong” như bây giờ. Nhà có trẻ con cũng được mua thêm sữa hàng tháng.

Sữa Ông Thọ pha loãng ra trộn với nước cơm, lũ trẻ 7x, 8x cứ thế mà lớn lên chứ làm gì có sữa công thức như bây giờ. Sữa Ông Thọ nhiều khi hết hạn, người ta phải luộc cả lon lên mới lại dám cho trẻ con dùng. Một món ngon ám ảnh từ ký ức cho đến bây giờ, khi mà xã hội tỷ lệ người thừa cân béo phì tăng cao, thì “ăn bánh mỳ chấm sữa đặc” vẫn là một kỷ niệm mà trong một buổi tối giao mùa nào đó, đôi khi làm người ta nhớ đến không thể chịu được, phải tắt Netflix rồi đi mua bánh mỳ để về ăn với sữa.

Sữa đặc cũng vẫn là “nhất” khi mix với cà phê để thành cà phê nâu đá. Khẩu vị chính của đông đảo người Hà Nội vẫn phải là một ly nâu hoặc đen mỗi sáng. Đó là chưa kể nhiều món bánh, sinh tố, sữa chua hoa quả… đều không thể thiếu được sữa đặc.

Tự làm hay đi mua?

Trong vô vàn những xu hướng vừa qua trên mạng xã hội, “trend” tự làm sữa đặc ở nhà cũng hấp dẫn không ít người. Nguyên liệu làm sữa đặc tại nhà gồm whipping cream, đường cùng một ít sữa tươi. Tất cả được trộn đều và đun nhỏ lửa trên bếp cho tới khi sánh lại, trong quá trình nấu, dùng phới khuấy sữa đều tay, tránh bén nồi. Hướng dẫn làm thì tưởng nó đơn giản. Nhưng có thực sự thử nghiệm thì thấy hóa ra việc ra siêu thị mua vài lon sữa Ông Thọ nó đơn giản, còn bày ra vừa lích kích, vừa tốn khá nhiều “bài học cho bản thân”. Sữa đặc mà làm dễ hẳn là đã có nhiều cá nhân và tổ chức vươn lên vượt tầm Ông Thọ rồi chứ không đùa.

Bây giờ, sữa Ông Thọ ngoài cái lon truyền thống phải dùng dao, dùng búa mà đục ra (nhiều người vẫn thích mua và dùng cách mở đầy vũ lực này) thì còn có loại lon giật nắp, đơn giản, nhẹ nhàng, tiện dụng. Cái lon sau khi hết sữa – thật kỳ lạ vẫn được nhiều người giữ lại – họ dùng để đong gạo hoặc làm gì đó chứ nhất quyết không chịu vứt đi dù đã qua thời bao cấp khó khăn, cuộc sống đã có nhiều thứ có thể thay thế. Thế mới nói, ký ức là một phần ta đã trải qua và dù có khó khăn thì vẫn cứ nhớ về nó như một khoảng thời gian tươi đẹp vậy.

Sữa Ông Thọ còn có dạng vỉ, nhỏ gọn, thích hợp để mang đi, rồi mới đây lại có dạng tuýp. Bao bì mới khiến cho những người hâm mộ Ông Thọ không khỏi bất ngờ và thú vị. Hóa ra, ông Thọ cũng phải thay đổi để hợp thời chứ không phải khăng khăng bất biến theo thời gian. Google từng lưu trữ thông tin về lịch sử sữa Ông Thọ như thế này: “Trước năm 1975, công ty sữa đa quốc gia Foremost có hoạt động kinh doanh tại miền Nam Việt Nam. Họ sản xuất sữa với nhãn hiệu Longevity mang hình ảnh một ông già cầm trái đào tiên và gọi đó là sữa Ông Thọ một cách không chính thức để người Việt dễ hiểu. Sau năm 1975, các cơ sở sản xuất của Foremost được giao cho Vinamilk tiếp quản. Từ năm này đến năm 1990, Vinamilk sản xuất loại sữa đặc mang tên Ông Thọ kinh doanh tại Việt Nam, cũng với hình ảnh một ông già cầm quả đào tiên”.

Giai đoạn sau đó, Foremost quay lại Việt Nam đầu tư kinh doanh, họ quyết định đòi lại nhãn hiệu sữa với hình ảnh ông già cầm quả đào tiên từ tay Vinamilk. Vụ kiện kéo dài rồi được tòa án quốc tế tuyên nhãn hiệu sữa ông già cầm quả đào tiên là của Foremost. Sau khi thắng kiện, Foremost lại khuếch trương thương hiệu này bằng tên gọi Longevity với ông già cầm quả đào tiên như đã từng làm tại miền Nam Việt Nam trước 1975, nhưng bị phản ứng ngược vì người Việt bây giờ đã quen với chữ Ông Thọ của Vinamilk rồi.

Một món ngon ám ảnh từ ký ức cho đến bây giờ, khi mà xã hội tỷ lệ người thừa cân béo phì tăng cao, thì “ăn bánh mỳ chấm sữa đặc” vẫn là một kỷ niệm mà trong một buổi tối giao mùa nào đó, đôi khi làm người ta nhớ đến không thể chịu được, phải tắt Netflix rồi đi mua bánh mỳ để về ăn với sữa.

Yên Vân

Nguồn: anninhthudo.vn

[searchandfilter id="2529"]