Theo bà Mai Kiều Liên, tương lai ngành bán lẻ của Việt Nam sẽ như các nước trên thế giới. Tất cả sẽ giao dịch thương mại điện tử và các cửa hàng truyền thống sẽ gặp khó. Như vậy, doanh nghiệp phải chuẩn bị, riêng Vinamilk đã chủ động bằng cách xây dựng hệ thống Giấc mơ sữa Việt.
Bán lẻ chuyển mình, Vinamilk tăng tỷ trọng doanh số kênh siêu thị cửa hàng ngoạn mục
Những năm gần đây, ngành bán lẻ Việt Nam trải qua quá trình thay đổi rất mạnh mẽ. Nếu trong quá khứ, những loại hình bán lẻ hiện đại là rất hiếm thấy, thì giờ chúng ta đang chứng kiến sự đổi thay nhanh chóng của lĩnh vực này.
Hàng loạt sản phẩm mới xuất hiện trên thị trường, nhiều trung tâm mua sắm mọc lên với những thiết kế thời thượng hiện nay cho thấy bán lẻ đang thay đổi từng ngày và điều này cũng ảnh hưởng khá lớn đến hành vi tiêu dùng. Thêm vào đó, thị trường thương mại điện tử thế giới trong đó có Việt Nam cũng đang phát triển cùng với các ứng dụng của công nghệ thông minh.
Sau một thời gian phát triển khá cầm chừng, hiện nay các chuỗi cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini cũng trở mình mạnh mẽ, với sự góp mặt của khá nhiều thương hiệu trong nước lẫn quốc tế. Trải qua gần 10 năm tìm đường, trào lưu này đã quay lạị với những diện mạo và chiến lược bài bản hơn từ những thương hiệu quốc tế cũng như sự gia nhập của các đơn vị nội địa. Tại Tp.HCM, các siêu thị mini và cửa hàng tiện lợi đang xuất hiện ồ ạt với hơn 1.000 địa điểm như Family Mart, B’s mart, Circle K, Ministop, Shop&Go, Vinmart+… đang dần thay thế cho loại hình tạp hóa truyền thống. Sự đổ bộ của 7-Eleven và GS 25 vào thị trường Việt Nam cũng hứa hẹn tạo nên sự sôi động cho sân chơi trên.
Nhận định về xu hướng này, đại diện Vinamilk (VNM) – bà Mai Kiều Liên – chia sẻ: Thương mại điện tử đúng là một câu chuyện tất yếu trong tương lai và Vinamilk cũng sẽ bị tác động bởi điều này. Ước tính riêng năm 2018, “bà hoàng” sữa Việt Mai Kiều Liên cho biết, các cửa hàng tiện ích mở ra một cách ngoạn mục, vượt bậc hẳn so với những năm trước đây. Tuy nhiên, điều này nếu nói là lý do khiến tiêu thụ sữa của Vinamilk giảm từ đầu năm đến nay thì không hẳn, bởi tất cả cửa hàng đều có sản phẩm Vinamilk.
Thương mại điện tử là xu thế, rõ ràng sẽ phải chuẩn bị!
“Nói về cơ cấu doanh số của Vinamilk, mọi khi doanh số siêu thị, các cửa hàng tiện ích chỉ chiếm khoảng 10-15% tổng doanh thu, và nó cứ ổn định như vậy suốt trong thời gian rất là dài. Đặc biệt riêng năm nay, cửa hàng tiện ích mở mới một cách ngoạn mục, rất là bùng nổ. Cùng với đó, tính cho giai đoạn 1-2 năm trở lại, khi Vinamilk có các cửa hàng tiện ích thì doanh số của cả kênh siêu thị và cửa hàng tiện ích tăng trưởng ngoạn mục” – bà Liên phân tích thêm.
Bà Liên cũng không phủ nhận các tác động đến nguồn thu tại các cửa hàng truyền thống. Thực tế, tại các cửa hàng truyền thống doanh số Vinamilk thời gian trở lại đây không tăng, thậm chí giảm. Ngược lại doanh số từ siêu thị và cửa hàng tiện ích tăng, bù qua sớt lại thì doanh số Vinamilk không bị tác động nhiều. Mặc dù doanh số có giảm bởi thói quen tiêu dùng đang chuyển dần sang kênh thương mại điện tử, nhưng mức giảm chậm hơn so với tỷ lệ chung của thị trường do Vinamilk chú trọng giành thị phần, người đứng đầu nhấn mạnh.
“Tất cả sản phẩm Vinamilk đều có mặt ở cửa hàng. Không có chỗ nào mà cửa hàng không có sản phẩm Vinamilk. Năm nay đặc biệt với kênh thương mại điện tử Công ty cùng đó là các cửa hàng Giấc mơ sữa Việt hiện tại sẽ khẳng định thêm chỗ đứng choVinamilk trên thị trường” bà Liên nhấn mạnh.
Hiện, Vinamilk đã có những bộ phận chăm sóc khách hàng tại hệ thống Giấc mơ sữa Việt. “Tuy rằng nó còn nhỏ vì mọi người đi cửa hàng tiện ích, đi siêu thị thì sẵn mua luôn nhiều thứ, còn nếu trên thương mại điện tử thì họ chỉ mua sản phẩm của Vinamilk; chúng tôi vẫn phục vụ bởi xu hướng vẫn là tăng. Tôi nghĩ là tương lai, cũng như các nước trên thế giới, tất cả sẽ giao dịch thương mại điện tử và các cửa hàng truyền thống sẽ gặp khó. Như vậy, doanh nghiệp rõ ràng sẽ phải chuẩn bị, riêng chúng tôi chuẩn bị bằng cách là xây dựng hệ thống Giấc mơ sữa Việt của Vinamilk” – theo bà Liên.
Thách thức tham gia sân chơi thương mại điện tử
Kênh thương mại điện tử là điều tất yếu đang dần thay đổi ngành bán lẻ, doanh nghiệp theo đó cũng không thể đứng ngoài cuộc. Mặt khác, người tiêu dùng Việt Nam đang có sự thay đổi về hành vi tiêu dùng trong năm 2017-2018 so với 2 năm trước đó. Nhu cầu mua sắm thay đổi đáng kể khi các quầy hàng thời trang và đồ gia dụng không duy trì được sức hút đối với người tiêu dùng, đây cũng là kết quả khi mua sắm trực tuyến ngày càng phát triển trong thời gian gần đây, dù dịch vụ thương mại điện tử ở Việt Nam đang ở bước đầu.
Tuy nhiên, thách thức dành cho những “người mới” không hề nhỏ với những yêu cầu nguồn vốn lớn, nền tảng triển khai… Theo các chuyên gia dự báo, thách thức còn đến từ sự thông thuộc thị trường của các đối thủ từ nội đến ngoại, vốn đã có nhiều kinh nghiệm và bài học đáng kể trong thời gian dài.
Kể tên một số tên tuổi hiện hữu, theo kế hoạch mở rộng kinh doanh tại Việt Nam của Family Mart (Nhật Bản), dự kiến sẽ có khoảng 1.000 cửa hàng vào năm 2020 tại Việt Nam còn 7-Eleven (Nhật Bản) sẽ mở rộng hoạt động với 1.000 cửa hàng tại Việt Nam sau 10 năm (2027). Trong khi đó, các thương hiệu Việt Nam cũng tích cực mở rộng thị phần; như chuỗi cửa hàng tiện ích lớn nhất Việt Nam, Vinmart+ dự kiến sẽ có 4.000 cửa hàng vào năm 2020.
Như vậy, Vinamilk sẽ cần có thời gian để xây dựng một hệ thống thương mại điện tử vững vàng trong tương lai, đi cùng bài toán “có thị phần sẽ giải quyết được tất cả”. Tính đến ngày 30/9/2018, Vinamilk ghi nhận tổng tài sản đạt 34.026 ngàn tỷ, trong đó tiền và các khoản tương đương tiền gần 631 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu hiện đạt 25.950 tỷ, với khoảng 7.046 tỷ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Vinamilk, là một doanh nghiệp dẫn đầu về sữa, Công ty đang đối mặt với câu chuyện tăng trưởng, thậm chí tiêu thụ cho thấy một sự giảm rõ rệt kể từ đầu năm 2018 đến nay. Mức tiêu thụ bình quân đầu người về sữa của người dân Việt Nam còn khá thấp so với khu vực, dân số tăng tức đối tượng trẻ em – người tiêu dùng sữa lớn – tăng… trong khi mức tiêu thụ giảm dấy lên nhiều thắc mắc trong dư luận. Hạ hồi phân giải, mới đây Vinamilk chia sẻ những lý do tổng hợp gồm: “Người tiêu dùng giảm, cộng với hệ thống phân phối đi tìm những cơ hội khác như vậy hiện nay thì việc tiêu thụ giảm là đương nhiên”.
Nguồn: tienphong.vn